Aliniex Học Viện
Chỉ báo OBV (On Balance Volume) là gì? Cách sử dụng chỉ báo OBV
11-07-2023 | 07:07

Hiện tại, hầu hết các chỉ báo đang sử dụng dữ liệu giá trong quá khứ để dự đoán xu hướng trong tương lai, bỏ qua yếu tố quan trọng về khối lượng giao dịch. Điều này dễ dẫn đến việc rơi vào bẫy "cá mập". Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một công cụ khác sử dụng cả lịch sử giá và khối lượng giao dịch, đó là chỉ báo OBV (On Balance Volume). Để hiểu rõ hơn về OBV, xin mời các bạn đọc tiếp bài viết dưới đây!

Chỉ báo OBV là gì?

Chỉ báo OBV viết tắt của On Balance Volume, chỉ báo cân bằng khối lượng. Đây là chỉ báo giúp trader đo lường sức mua và sức bán trên thị trường, dựa trên cả khối lượng giao dịch và chuyển động của giá. Nếu động lực của xu hướng hiện tại mạnh, thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng cũ. Ngược lại, nếu động lực yếu thì khả năng sẽ đảo chiều sang xu hướng mới.

chi bao OBV

Giá trị của OBV sẽ được lũy kế và hiển thị dưới dạng đường chuyển động. Từ đó, trader có thể nhận định được thị trường đang có xu hướng như thế nào, phe mua hay phe bán đang chiếm ưu thế, cũng như tín hiệu để tìm kiếm những giao dịch thuận xu hướng và đảo chiều tiềm năng. 

Lịch sử của chỉ báo OBV

Chỉ báo OBV được phát triển bởi Joseph Granville – Ông là một nhà phân tích tài chính nổi tiếng những năm 1960. Ông đã sử dụng kỹ thuật “khối lượng liên tục” của 2 nhà phân tích chứng khoán Woods và Vignola năm 1946 để tạo ra chỉ báo OBV. Bởi ông cho rằng, khối lượng chính là yếu tố then chốt, luôn đi trước hành động giá. Vì thế, ông đã tạo ra chỉ báo OBV để theo dõi những vùng biến động mạnh và dự đoán hướng đi của giá trong tương lai.

Chỉ báo OBV được trình bày lần đầu tiên trong cuốn sách “Granville’s New Key to Stock Market Profit”, xuất bản năm 1963. Ngay từ khi ra mắt, OBV đã tạo được tiếng vang lớn và sử dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật cho đến ngày nay.

Công thức tính OBV

OBV được tính toán dựa trên việc lũy kế. Công thức tính OBV như sau:

OBV = OBV trước ± khối lượng giao dịch

Công thức này sẽ được chia nhỏ thành 3 trường hợp, tùy thuộc vào mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại so với phiên giao dịch trước đó. 

Trường hợp 1: Giá đóng cửa phiên giao dịch hiện tại cao hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước, thì công thức OBV sẽ như sau: 

OBV = OBV phiên trước + Volume hiện tại

Trường hợp 2: Giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước, thì công thức OBV được tính toán như sau: 

OBV = OBV phiên trước – Volume hiện tại

Trường hợp 3: Giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại bằng giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó, OBV hiện tại = OBV trước đó.

Để minh họa, chúng tôi xin phép lấy một ví dụ tượng trưng như sau: 

  • Ngày đầu tiên giá đóng cửa là 100 USD với khối lượng giao dịch là 10 000 
  • Ngày thứ hai, giá đóng cửa là  100,1 USD và khối lượng giao dịch là 12.500
  • Ngày thứ ba có giá đóng cửa là 100,15 USD và  khối lượng giao dịch là 11.000
  • Ngày thứ tư giá đóng của là  100,14, với khối lượng giao dịch là 14.000
  • Ngày thứ năm giá đóng của là  100,14, với khối lượng giao dịch là 12 000 

Dễ dàng nhận thấy ngày thứ 2 và ngày thứ 3 là những ngày tăng giá, ngày thứ tư giảm giá và ngày thứ 5 thì giữ nguyên. Nếu coi ngày đầu có giá trị OBV=0 thì các ngày sau được tính toán như sau: 

  • OBV ngày thứ hai = 0 + 12.500 = 12.500
  • OBV ngày thứ ba = 12.500 + 11.000 = 23.500
  • OBV ngày thứ tư = 23.500 – 14.000 = 9.500
  • OBV ngày thứ năm = 9.500

Ý nghĩa của chỉ báo OBV

Cha đẻ của chỉ báo OBV cho biết nếu chúng ta chỉ dựa trên hành động giá, nhiều trường hợp sẽ có độ trễ, tín hiệu sẽ thiếu chính xác. Bởi vì theo ông khối lượng luôn đi trước và dẫn dắt hành động giá. Cho nên OBV được bổ sung thêm yếu tố khối lượng sẽ có độ nhạy hơn.

Cụ thể, chỉ báo OBV cho ta biết những thông tin quan trọng sau:

Dự báo sự tiếp diễn xu hướng

  • Khi đường OBV đi lên, cho thấy khối lượng mua đang lớn hơn khối lượng bán. Điều này cho thấy lực mua lớn hơn lực bán, nên giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
  • Khi OBV đi xuống, cho thấy khối lượng bán đang lớn hơn khối lượng mua. Điều này cho thấy áp lực bán mạnh hơn áp lực mua và giá sẽ tiếp tục giảm.
  • Khi chỉ báo OBV và giá đều xác nhận xu hướng tăng, thì xu hướng tăng vẫn tiếp tục. Ngược lại, khi OBV và giá đều xác nhận xu hướng giảm, thì giá sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Dự báo đảo chiều xu hướng

Dựa vào tín hiệu phân kỳ giữa OBV và giá, trader có thể dự đoán các điểm đảo chiều xu hướng như sau:

  • Trong xu hướng giảm, giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước (vẫn duy trì đà giảm), nhưng OBV lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Đây là tín hiệu cho thấy đà giảm đã suy yếu, khả năng giá sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng.
  • Trong xu hướng tăng, giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng OBV lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Tín hiệu phân kỳ giảm này cho thấy phe mua đang suy yếu, hành động giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.

Cách sử dụng chỉ báo OBV

Như đã giới thiệu, chỉ báo OBV được tích hợp thêm khối lượng giao dịch nên sẽ giảm tín hiệu nhiễu và phản ứng nhanh hơn với hành động giá. Cụ thể trader có thể sử dụng chỉ báo OBV như sau:

Sử dụng OBV như công cụ củng cố xu hướng 

Thị trường chỉ tăng hoặc giảm khi giá và khối lượng có sự đồng thuận với nhau. Chẳng hạn, khi giá tăng hoặc giảm mà có sự đồng thuận của khối lượng giao dịch, chứng tỏ xu hướng đó đang rất mạnh và thị trường sẽ tiếp tục di chuyển theo xu hướng đó.

Trong khi OBV lại sử dụng khối lượng để tính toán. Do đó, nhà đầu tư cũng sẽ sử dụng công cụ này để xác nhận xu hướng giá. Theo đó:

  • Nếu giá tăng và OBV đi lên, cho thấy phe mua đang áp đảo phe bán và thị trường sẽ tiếp tục tăng.
  • Nếu giá giảm và OBV đi xuống, cho thấy áp lực bán đang cao hơn áp lực mua, giá sẽ thuận theo xu hướng giảm.

cach su dung obv

Giao dịch đảo chiều với tín hiệu hội tụ, phân kỳ

Dựa vào tín hiệu phân kỳ giữa OBV và đường giá, trader có thể tìm kiếm các giao dịch đảo chiều tiềm năng. Với chiến lược giao dịch này, trader cần xác định xu hướng hiện tại và đánh giá độ mạnh của xu hướng đang diễn ra. Và chỉ giao dịch khi xu hướng hiện tại đã có dấu hiệu suy yếu.

Tín hiệu giao dịch như sau:

  • Trong một xu hướng giảm, nếu xuất hiện tín hiệu phân kỳ tăng: Hành động giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, trong khi OBV lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Tín hiệu này cho thấy giá sẽ đảo chiều sang tăng, trader có thể tìm kiếm lệnh Buy đón đầu xu hướng tăng mới.
  • Trong một xu hướng tăng, xuất hiện tín hiệu phân kỳ giảm: Hành động giá tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh đáy trước, nhưng chỉ báo OBV lại có diễn biến ngược lại. Tín hiệu cho thấy giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm, trader có thể vào lệnh Sell.

Thực hiện lệnh giao dịch như sau:

  • Điểm vào lệnh: Trader cần theo dõi hành động giá, cùng nến tín hiệu tại vùng tranh chấp giá để vào lệnh.
  • Đặt cắt lỗ tại đỉnh/đáy gần nhất hoặc các vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng.
  • Chốt lời theo Fibonacci mở rộng hoặc theo tỷ lệ R:R kỳ vọng của trader.

Sử dụng OBV phá vỡ các ngưỡng quan trọng để xác nhận đảo chiều

Cũng giống như giá, chỉ báo OBV cũng sẽ phản ứng mạnh tại các ngưỡng quan trọng và khi phá vỡ ngưỡng này thì OBV sẽ bứt phá mạnh mẽ theo hướng đã phá vỡ. Đối với cách giao dịch này trader có thể thực hiện như sau:

  • Dựa vào các tín hiệu trader xác định giá chuẩn bị đảo chiều tăng. Đồng thời nếu lúc này nếu thấy tín hiệu OBV phá vỡ kháng cự đi lên thì tín hiệu đảo chiều này càng được cùng cố.
  • Ngược lại, nếu trader dự đoán giá sẽ giảm và thấy OBV phá vỡ hỗ trợ đi xuống thì có thể tự tin vào lệnh bởi tín hiệu giảm đã được củng cố bởi OBV.

Kết luận

Bài viết trên chúng tôi đã giới thiệu về chỉ báo OBV – một chỉ báo đặc biệt kết hợp cả yếu tố giá và khối lượng giao dịch. OBV có sức mạnh lớn nếu nhà giao dịch biết cách sử dụng linh hoạt và kết hợp với các công cụ phân tích khác. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Aliniex để tìm hiểu được những kiến thức quan trọng khác về thị trường Forex nhé! Chúc các bạn thành công!

Theo dõi các tin tức mới nhất tại :