Đánh giá 1 đồng coin tiềm năng bằng phân tích cơ bản từ A – Z

10/05/2023 10:08
0
Artboard-12 27.6K

Việc trade coin thì có lẽ là nhiều bạn đã biết, tuy nhiên cách tự tìm coin tốt để đầu tư thì không phải điều đơn giản. Thị trường tiền điện tử hiện nay có tới chục ngàn đồng coin khác nhau, vàng thau lẫn lộn, nên để lựa chọn được một đồng coin phù hợp để đầu tư dài hạn là việc cần phải cân não rất nhiều.

Bài viết dưới đây của chúng mình sẽ chia sẻ với các bạn cách đánh giá coin tiềm năng bằng phân tích cơ bản để bạn giúp bạn có thể giải được bài toán hóc búa trên nhé.

Hướng dẫn cách đánh giá coin tiềm năng

Phân tích cơ bản trong crypto là gì?

Phân tích cơ bản trong lĩnh vực tiền điện tử (crypto) là quá trình đánh giá các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá của một loại tiền điện tử. Các yếu tố này bao gồm, nhưng không giới hạn, độ phổ biến, công nghệ, cộng đồng, sự thông minh của đội ngũ phát triển, các đối thủ cạnh tranh, sự sẵn có trên thị trường và các yếu tố kinh tế toàn cầu khác.

Phân tích cơ bản có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng và rủi ro của một loại tiền điện tử. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định đầu tư vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhưng phân tích kỹ thuật, tâm lý học đầu tư và các yếu tố khác.

So với phân tích kỹ thuật vì phân tích cơ bản là một cách tiếp cận sâu rộng hơn. Thay vì xem xét các số liệu thống kê lịch sử về giá, khối lượng giao dịch thì phương pháp này lại tập trung vào nghiên cứu giá trị nội tại của một dự án coin.

Cách đánh giá coin tiềm năng – TỔNG THỂ

Muốn đánh giá một đồng coin có tiềm năng trong dài hạn hay không, hãy đặt nó trong một bức tranh lớn – TỔNG THỂ, sau đó mới đi sâu CHI TIẾT vào từng phần của nó.

Phân tích cơ bản trong crypto là đánh giá một dự án từ trong ra ngoài, từ tổng thể đến chi tiết. Mục đích vẫn là nắm được khái quát, rồi so sánh nhiều hơn, có nhiều góc nhìn hơn.

Để bắt đầu bước đầu tiên trong hướng dẫn cách đánh giá coin tiềm năng, bạn sẽ phải trả lời được các câu hỏi sau:

  •  Dự án coin thuộc lĩnh vực gì? (Lĩnh vực Defi, lĩnh vực thanh toán, Layer-2, Web 3.0 hay play-to-earn…).
  • Dự án coin nằm trong hệ sinh thái nào? (Thuộc hệ sinh thái Ethereum, Polkadot, Tron hay Solana…, bởi vì nó nằm trong một hệ sinh thái của một nền tảng nào đó, nó sẽ được hưởng lợi về công nghệ, cũng như dễ dàng tương tác với các dApps thuộc cùng hệ sinh thái đó).
  •  Dự án coin ở đâu trong bức tranh lớn? (Trong lĩnh vực nó hoạt động và trong hệ sinh thái, nó là dự án lớn hay nhỏ, xếp thứ bao nhiêu? Ví dụ MKR coin là một đồng coin đi đầu trong lĩnh vực Defi; hoặc Chainlink là đồng coin đi đầu ở lĩnh vực oracle…, nên chúng thường được đánh giá khá cao.
  •  Dự án coin có phải là một mảnh ghép mà thị trường cần? (Lĩnh vực nó hoạt động có phải là lĩnh vực đang hot, đang cấp thiết hiện tại bây giờ, và lĩnh vực này có khả năng phát triển lâu dài trong tương lai không?).
  • Tiềm năng tăng trưởng của dự án coin đó là gì? (Đó là tiềm năng chung của lĩnh vực và hệ sinh thái mà đồng coin đó đang hoạt động. Còn để đánh giá tiềm năng cụ thể của từng dự án, thì chúng mình sẽ nói chi tiết ở ở phần bên dưới).

Khi xác định được các yếu tố trên, bạn hãy nhớ rằng:

  • Một dự án dù tốt đến đâu nhưng trong một hệ sinh thái chưa phát triển thì dự án đó sẽ khó đi lên.
  • Ngược lại, một dự án bình thường nhưng trong một hệ sinh thái đang phát triển sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Cách đánh giá coin tiềm năng – CHI TIẾT

Sau khi có cái nhìn tổng quan, chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về dự án. Tại bước này, bạn có thể biết khi nào nên đầu tư vào dự án và liệu đồng coin này có thể phát triển hay không, có đáp ứng được nhu cầu đi xa của thị trường hay chỉ dừng lại ở vòng gọi vốn để kiếm lời? Chúng sẽ bao gồm những tiêu chí sau:

Đánh giá về nền tảng, công nghệ

Công nghệ là nền tảng cơ bản của mỗi một dự án tiền điện tử. Dự án nào có công nghệ tiên tiến, vượt trội sẽ được coi là một dự án được đầu tư nghiêm túc và phần nào cũng khẳng định được tương lai của dự án đó sẽ rất bền vững. Các thông tin về công nghệ của một dự án coin, bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại whitepaper của nó.

Đi đầu về công nghệ hiện là các dự án xây dựng hoặc cải thiện một nền tảng blockchain mới giúp đưa ra những giải pháp cho các vấn đề mà những nền tảng blockchain cũ đang gặp phải như tốc độ xử lý, phí giao dịch, khả năng mở rộng (thường được gọi là Layer 2).… Một vài đồng coin có công nghệ nổi bật có thể kể đến:

  • Cardano (ADA): sở hữu 2 blockchain, một cái để xử lý giao dịch cơ bản, 1 cái để xử lý các hợp đồng thông minh, khiến cho nó nhanh hơn và không bị tắc nghẽn.
  • Polkadot (DOT): sở hữu công nghệ khiến 2 blockchain riêng biệt có thể tương tác với nhau, đặc biệt nó còn giúp nâng cấp chuỗi mà không có nguy cơ chia chuỗi thành hai.
  • Avalanche (AVAX): được đánh giá là “Ethereum Killer” mạnh nhất, với điểm mạnh là sở hữu một blockchain tạo ra một blockhain linh hoạt, có thể mở rộng để duy trì sự phân quyền và bảo mật.
  • Solana (SOL): nền tảng blockchain hoạt động trên cơ chế đồng thuận duy nhất được gọi là bằng chứng lịch sử để đem đến một nền tảng nhanh, rẻ và cũng là cái tên nổi bật nhất về công nghệ hiện nay.

Nếu đánh giá coin tiềm năng theo tiêu chí này, thì hãy luôn nhớ là nhóm meme coin thường không đạt, bởi chúng ít khi sở hữu công nghệ nào nổi bật, và đại đa số là vô dụng.

Đánh giá về tokenomics của dự án

Bước tiếp theo trong cách đánh giá coin tiềm năng, đó là xem xét tokenomics. Nghe thuật ngữ này có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra rất đơn giản.

Nội dung về tokenomics khá là dài, nhưng có một vài ý chính bạn cần nắm được:

  • Xem xét tổng lượng cung tối đa và tổng cung đang lưu hành. Lượng coin đang lưu hành chiếm bao nhiêu % so với tổng cung tối đa? Ưu tiên tìm những dự án: Circulating Supply/Total Supply càng cao càng tốt.

  • Những token chưa mở khóa sẽ được mở khóa ra sao, lịch trình thế nào? Nếu họ có chế độ đốt coin để giảm lạm phát không? Hoặc lịch mở khóa token không dồn dập thì có thể đánh giá đây là đồng coin có tokenomics tốt.
  • Công dụng của đồng coin/token đó là gì? Ngoài việc quản trị thì nó có công dụng gì khác: giảm phí giao dịch, có thể đặt cược, hay là đồng tiền bắt buộc để tham gia vào dự án… Tóm lại là token càng có nhiều công dụng càng tốt.
  • Phân bổ token có phi tập trung hay không? Hay một lượng lớn token chỉ tập trung ở trong tay đội ngũ sáng lập. Nếu đội ngũ nắm quá nhiều thì dự án kém phi tập trung, và phải đối mặt với nguy cơ có thể bị bán phá giá bất cứ lúc nào. Con số lý tưởng nhất là đội ngũ chỉ giữ khoảng 20% tổng cung.

Đánh giá về vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường của tiền điện tử được tính bằng giá giao dịch của một đồng coin * tổng nguồn cung đang lưu hành trên thị trường. Nó là căn cứ cho bạn biết đồng coin đó so với tiềm năng là đang đắt hay rẻ.

Căn cứ vào tiêu chí vốn hóa thị trường trong cách đánh giá coin tiềm năng, thì bạn có thể đưa ra được nhiều nhận định dựa vào đó:

  • Những đồng coin có vốn hóa lớn, xếp hạng top 10, top 20 hay top 50 thường là những đồng coin “có danh tiếng trên thị trường”, chúng được coi như như “bluechip”, thanh khoản lớn, được nhiều nhà đầu tư quan tâm và rủi ro ít hơn.
  • Tuy nhiên những đồng coin vốn hóa lớn thì cũng có nhược điểm là “nặng mông”, tức là cơ hội để x2, x3, x5, x10 tài khoản rất khó (vì vốn hóa của nó đã rất lớn). Nếu bạn thích mạo hiểm và muốn tìm một cơ hội đổi đời, thì hãy ưu tiên những đồng coin vốn hóa nhỏ, vì nó sẽ có cơ hội tăng giá cao hơn (tuy nhiên rủi ro cũng cao hơn).

Nếu may mắn, bạn sẽ tìm được một đồng coin tốt, nhiều tiềm năng, mà vốn hóa còn khá thấp. Đồng coin như vậy được coi như “ngọc trong cát” vậy.

Đánh giá tính ứng dụng của dự án

Một đồng coin có đi được đường dài hay không, thì điều quan trọng là tính ứng dụng của chúng có cao hay không? Đồng coin đó tập trung vào lĩnh vực gì? Lĩnh vực này có thực sự thiết yếu, đối tượng sử dụng có nhiều hay không?

Nếu dự án không thể ứng dụng vào thực tế, hoặc tính ứng dụng thấp, thì dần dần nó sẽ mất giá trị vì không được người dùng quan tâm. Một vài ứng dụng thực tiễn hiện nay của các dự án blockchain thường là cung cấp các giải pháp, công cụ, ứng dụng tài chính phi tập trung, NFT, trò chơi trực tuyến, metaverse… Ví dụ:

  • Bitcoin được sinh ra với mục đích trở thành phương tiện thanh toán, hoặc trở thành một tài sản tích trữ giá trị.
  • Ethereum là nền tảng hợp đồng thông minh để giúp xây dựng cách dApps trên nền tảng của nó.
  • BNB là đồng coin của sàn giao dịch Binance, người dùng có thể được giảm phí khi giao dịch trên sàn này.
  • Monero (XMR) là đồng coin được sinh ra giúp các giao dịch trở nên riêng tư, ẩn danh tính hơn.
  • Ethereum Name Service (ENS) tập trung vào việc quy đổi tên miền, địa chỉ ví tiền điện tử của người dùng thành những tên miền dễ nhớ, thân thiện.
  • Coin98 (C98) là dự án cung cấp nhiều tính năng như sàn giao dịch, ví tiền, công cụ Defi…
  • Celo (CELO) là blockchain trên điện thoại di động, giúp người dùng có thể dễ dàng nhận và gửi tiền bằng điện thoại di động.
  • Dogecoin (DOGE) là một meme coin, không có công nghệ nào, nhưng có một vài nơi chấp nhận nó làm phương thức thanh toán, ví dụ như Tesla của Elon Musk.

Đánh giá về đội ngũ, người sáng lập của dự án

Khi đánh giá một dự án có tiềm năng để phát triển và đi xa hay không, bạn cũng cần phải để ý rất nhiều vào đội ngũ phát triển của dự án đó. Tìm hiểu xem người sáng lập, đội ngũ lập trình viên, marketing, cố vấn… của dự án đã làm những công việc gì, kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain ra sao? Họ có tham gia vào bất kỳ dự án đáng ngờ hoặc lừa đảo nào không?

=> Dựa vào những dữ kiện đó, bạn có thể đánh giá được một phần về khả năng phát triển và khả năng hiện thực hóa các mục tiêu mà dự án đề ra.

Những thông tin về đội ngũ phát triển thường được đề cập trên website, whitepaper chính thức của dự án. Một số dự án gắn những “người nổi tiếng” đứng đằng sau như CZ, Justin Sun, Vitalik Buterin, Elon Musk… sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn bao giờ hết. Còn lại, những dự án mà người sáng lập ẩn danh hoặc có tai tiếng, bạn cần cân nhắc, tìm hiểu kĩ các yếu tố còn lại và quản lý vốn trước khi quyết định đầu tư.

  • Bitcoin người sáng lập của nó ẩn danh, tuy nhiên nó là đồng coin số 1 thị trường và tính phi tập trung cao nhất, nên nhiều người không quá lo ngại về vấn đề này.
  • Ethereum được sáng lập bởi Vitalik Buterin, là một người rất tài giỏi trong lĩnh vực blockchain.
  • Solana sở hữu một đội ngũ hầu hết là những người giàu kinh nghiệm trong mảng Crypto và Blockchain như Anatoly Yakovenko, Greg Fitzgerald… Họ đều đã từng làm việc ở Qualcomm và Alescere.
  • Dogecoin được sáng lập bởi Palmer và Markus, tuy nhiên Billy Markus đã bán toàn bộ số dogecoin mà anh ta đang nắm giữ để mua một chiếc Honda Civic vào năm 2015, vì vậy nhiều người mất niềm tin vào dự án này.
  • SushiSwap (SUSHI) cũng đã vướng vào rắc rối với Chef Nomi (bút danh) khi anh ta đã bán toàn bộ SUSHI coin (trị giá lên tới 14 triệu đô) trong quỹ nhà phát triển.

Đánh giá về whitepaper, roadmap

Ngoài ra, một yếu tố khác cũng cần được quan tâm khi đánh giá coin tiềm năng, đó là tham khảo whitepaper và roadmap (lộ trình phát triển) của dự án đó.

Những thông tin này thường được công khai, bạn có thể tìm kiếm chúng rất dễ dàng. Hãy ưu tiên lựa chọn những đồng coin nào có whitepaper và lộ trình chi tiết, và hơn hết là đội ngũ của họ có đang làm theo những gì đã được đề ra trong lộ trình, cũng như có phù hợp với mục tiêu mà whitepaper hướng đến hay không.

Đáng buồn là hầu các nhà đầu tư hiện nay thực sự không đọc qua Whitepaper (sách trắng) hoặc roadmap, mặc dù nó chứa tất cả các thông tin cần thiết về dự án coin bạn đang nghiên cứu. Vì vậy hãy đừng ngần ngại đọc qua nó, bởi nó là bước rất quan trọng để research coin tiềm năng. Sau khi đọc nó bạn sẽ có thể trả lời một câu hỏi đơn giản: dự án này mang lại cho thế giới của chúng ta giá trị gì?

Đánh giá về cộng đồng của dự án

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của cộng đồng đến sự thành bại của một dự án. Dự án coin đó có nằm trong lĩnh vực tốt, có tính cạnh tranh, có nhiều tiềm năng nhưng lại không thu hút được sự chú ý của cộng đồng thì hiệu suất tăng giá cũng rất kém, và về lâu dài cũng sẽ thất bại.

Trái lại, có những đồng coin không có tính ứng dụng hoặc công nghệ nào nổi trội, nhưng lại bật lên trở thành một trong những đồng coin top đầu nhờ cộng đồng – đó chính là trường hợp của Dogecoin (DOGE) và Shiba Inu (SHIB). Không một ai có thể phủ nhận được sức mạnh cộng đồng của 2 đồng meme coin này.

=> Vì vậy, khi research đồng coin tiềm năng, hãy tìm hiểu thêm về các kênh cộng đồng của dự án, thường phổ biến ở twitter, reddit, medium hoặc telegram. Đồng coin nào có lượng fan đông đảo, tương tác tích cực thì bạn có thể yên tâm phần nào về chúng.

Aliniex tổng hợp